Lịch sử hình thành Nhà_hát_Chèo_Bắc_Giang

Nhà hát Chèo Bắc Giang

Tiền thân của nhà hát Chèo Bắc Giang là Đoàn nghệ thuật Chèo sông Thương, được thành lập từ tháng 6 năm 1959. Khi mới thành lập, Đoàn đã mời các nghệ nhân Nhà hát Chèo Việt Nam về truyền dạy có kiến thức cơ bản để dàn dựng những vở chèo ngắn: "Hương lúa tình quê", "Tiếng trống hội mùa", "Chị Thắm anh Hồng", "Vẹn cả đôi đường", "Mối tình Điện Biên", "Tiến lên phía trước", "Cho đẹp quê ta"… Những năm tiếp theo, Đoàn dàn dựng những vở chèo truyền thống dài như: "Suý Vân giả dại", "Quan Âm Thị Kính", "Lưu Bình Dương Lễ". Hành trang vào nghề của Đoàn lúc bấy giờ còn rất thô sơ, nghèo nàn (4 chiến xe ba gác, 4 chiếc đèn măng xông, không có tăng âm tiếng nói, phông màn được may bằng vải thô, một số phục trang cũ được dùng cho nhiều vở diễn). Năm 1962, tại Hội diễn tổng hợp 9 tỉnh được tổ chức tại Thường Tín (Hà Tây), Đoàn đã tham dự với hai vở chèo "Tiến lên phía trước" và "Ba anh em họ Điềm".

Năm 1963, hai tỉnh Bắc GiangBắc Ninh sáp nhập thành tỉnh Hà Bắc, hai đoàn nghệ thuật Chèo của hai tỉnh được sáp nhập và đổi tên thành Đoàn nghệ thuật Chèo Hà Bắc. Đoàn đã phải đi sơ tán ở nhiều nơi để biểu diễn động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội, dân quân. Chương trình biểu diễn của Đoàn trong thời kỳ này là các vở diễn: "Nguyễn Văn Bé", "Cô gái Long Châu Sa", "Tình quân dân", "Làng Thương", "Cai Tranh đốt quán", "Trên đồi pháo"… Bên cạnh những tiết mục ngắn, Đoàn còn dàn dựng những vở diễn dài như: "Tiếng hát làng Pơ Rao", "Lứa tuổi xuân", "Dòng phù sa", "Tấm Cám"…

Năm 1971, tỉnh Hà Bắc đã thành lập Đội văn công xung kích. Nhiều nghệ sĩ của đoàn xung phong vào Đội, lên đường ra tiền tuyến. Kết thúc đợt diễn, Đội Văn công xung kích đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được Bộ Tư lệnh chiến trường 559 và UBND tỉnh Hà Bắc tặng Bằng khen. Thời kỳ 1975-1990, Đoàn Chèo Hà Bắc dàn dựng nhiều vở diễn cổ vũ cho công cuộc xây dựng cuộc sống mới như: "Dòng phù sa", "Chàng rể bố vợ", "Những người nói thật"… Năm 1988, Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc tại Hà Nam Ninh, Đoàn đã tham dự với vở "Oan trái làng Tằm".

Từ năm 1988 đến năm 1995, do chuyển đổi cơ chế quản lý từ bao cấp sang kinh tế thị trường, Hà Bắc có bốn đoàn nghệ thuật (đoàn Nghệ thuật Tuồng, đoàn Chèo, đoàn Kịch nói, đoàn Dân ca Quan họ) hầu như đều phải ngừng hoạt động. Đứng trước thực trạng đó, Sở Văn hoá Thông tin-Thể thao đã có đề án củng cố xếp sắp lại bộ máy tổ chức của các đoàn, trình tỉnh ra Quyết định tinh giảm biên chế chỉ để lại hai đoàn (Đoàn Nghệ thuật Chèo và Đoàn Dân ca Quan họ). Ba đơn vị Kịch, Tuồng, Chèo được hợp nhất thành Đoàn nghệ thuật Chèo, trong đó nòng cốt là cán bộ diễn viên của Đoàn nghệ thuật Chèo. Từ 130 cán bộ nhân viên chỉ còn 31 người. Đoàn đã nhanh chóng dàn dựng lại các vở: "Quan Âm Thị Kính", "Nỗi đau tình mẹ", "Chinh phụ hai chồng" và "Đôi ngọc lưu ly". Cuối năm 1993, Đoàn đã thành lập một đội gồm 16 cán bộ, diễn viên, nhạc công vào biểu diễn phục vụ cán bộ và nhân dân các tỉnh Tây Ninh, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh... Cũng trong giai đoạn này, Đoàn đã xây dựng chương trình tham dự thi Tiếng hát Chèo hay toàn quốc (1992) tại Hải Dương và tham dự thi các trích đoạn chèo, tuồng hay toàn quốc (1993) tại Ninh Bình.[2]

Năm 1992, 1993 Đoàn được tặng Bằng khen của Bộ VHTT, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hà Bắc, Tây Ninh. Năm 1997, sau khi tái lập tỉnh, Đoàn được đổi tên là Đoàn nghệ thuật Chèo tỉnh Bắc Giang. Năm 2001, tại Liên hoan Sân khấu chèo truyền thống tổ chức tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), dàn diễn viên trẻ của đoàn đã được tặng hai giải thưởng, 01 Huy chương vàng và giải Nghệ sĩ múa đẹp nhất. Năm 2002, tại Hội thi "Hát Dân ca" các tỉnh Trung du đồng bằng Bắc Bộ do Bộ VHTT tổ chức 05 tiết mục dự thi Đoàn đã được Ban Giám khảo tặng thưởng 1 Huy chương vàng toàn đoàn, 3 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc tiết mục. Năm 2003, với đội hình hơn 40 cán bộ nghệ sĩ, Đoàn đã tổ chức đợt biểu diễn dài ngày với gần 30 đêm diễn trên địa bàn các tỉnh phía Nam, như Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kom Tum-Đắc Lắc. Từ năm 1999 đến 2009, năm nào đoàn cũng thực hiện được từ 140 đến 150 đêm diễn trở lên, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Với gần 100 vở diễn, 70 Huy chương vàng, bạc của tập thể và cá nhân trong các kỳ hội diễn từ những năm 1980 trở lại đây, Đoàn đã được tặng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL, UBND tỉnh về thành tích công tác. Năm 2004, Đoàn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và năm 2009 Đoàn đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

Nghệ thuật Chèo ở Bắc Giang

Bắc Giang là đất chèo có tiếng xứ Bắc. Ngoài đặc điểm chung, chèo Bắc Giang còn có nét riêng khi mang âm hưởng đậm nét của vùng trung du miền núi, từ phong cách biểu diễn đến lời ca đều khỏe khoắn và mộc mạc hơn. Những năm 80 của thế kỷ trước, khi sáng tác làn điệu chèo, các nhạc sĩ thường sử dụng chất liệu dân ca quan họ và gần đây còn khai thác dân ca dân tộc thiểu số như hát then, hát ví.[3]

Yên Dũng có làng Đồng Quan, xã Đồng Sơn là làng có truyền thống hát chèo từ xa xưa, đến nay đội chèo có 18 người cả diễn viên và nhạc công do bà Khổng Thị Tiêu phụ trách; Đội chèo làng Đồng Nhân, xã Đồng Phúc vốn là làng chèo truyền thống, có 14 người do ông Nguyễn Khánh Dư làm đội trưởng. Làng chèo Dốc Sở xã Đồng Sơn có 13 người do ông Nguyễn Văn Dương làm đội trưởng; Làng chèo Tân Ninh xã Tư Mại, đây là làng chèo cổ, có 20 người do ông Lưu Xuân Đức phụ trách. Từ năm 2004 huyện Yên Dũng còn thành lập các câu lạc bộ chèo như: Câu lạc bộ “Chiếu chèo quê” do ông Nguyễn Văn Đán làm chủ nhiệm, CLB có 24 người tập hợp từ các xã trong huyện. CLB Đồng Tiến Đức có 50 người là hội viên, CLB thôn Đồng Nhân xã Đồng Phúc do ông Nguyễn Văn Toàn làm chủ nhiệm. Hầu hết các đội chèo và CLB đều duy trì và phát triển đội ngũ nhạc công của dàn nhạc dân tộc. Huyện Yên Dũng là nơi có những làng chèo truyền thống như: Tân Độ (xã Tân Liễu); Đồng Nhân (xã Đồng Phúc); Tân Ninh, Bắc Am (xã Tư Mại)... Từ năm 2005 đến nay, Yên Dũng đã thành lập được 6 CLB chèo, khôi phục 6 làng chèo truyền thống, thu hút hàng trăm người tham gia. Không chỉ có các CLB hoạt động ở thôn, xã, Yên Dũng còn thành lập mô hình cấp huyện với gần 20 thành viên thường xuyên hoạt động tại CLB chèo Yên Dũng.[4] Năm 2007, huyện Yên Dũng đã tổ chức Liên hoan Tiếng hát chèo lần thứ nhất. Tham gia hội diễn có 21 câu lạc bộ của 21 làng, với hàng trăm diễn viên và nhạc công không chuyên.[5]

Huyện Việt Yên: Có các làng chèo cổ và nay còn một số đội được duy trì ở mức độ hát và dựng các tiểu phẩm mới như: Hoàng Mai (xã Hoàng Ninh); làng Mỏ Thổ (xã Minh Đức); Làng Trung Đồng (xã Vân Trung); làng Kiểu (xã Bích Sơn), làng Vân (xã Vân Hà)... Huyện Tân Yên: Làng Dương Lâm (xã An Dương), đội chèo xã Ngọc Châu; làng Hạ (xã Cao Thượng), riêng làng Hạ vẫn là làng chèo truyền thống, đến nay vẫn duy trì và hoạt động. Đội chèo có 30 người cả diễn viên và nhạc công do ông Trọng Nguyên làm đội trưởng. Huyện Lạng Giang: Làng An Lạc (xã Quang Thịnh) do ông Khải làm đội trưởng; làng Then (xã Thái Đào) do ông Nguyễn Văn Khoa làm đội trưởng (đội có 20 người vừa hát chèo, sử dụng nhạc cụ dân tộc, vừa có dàn nhạc viôlông); làng Liên Sơn (xã Tân Dĩnh) do bà Ngô Thị Liên 70 tuổi làm đội trưởng; và làng Chuông Vàng (xã Tân Hưng). Ở Lạng Giang còn duy trì hát chèo là chủ yếu, ít dựng các trích đoạn truyền thống. Tuy vậy còn giữ được dàn nhạc dân tộc khá phong phú.[6]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nhà_hát_Chèo_Bắc_Giang http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/139617/giu-ch... http://m.baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/170246/thi-... http://sankhau.com.vn/news/ket-qua-giai-thuong-tai... http://congbao.bacgiang.gov.vn/webpages/content/do... http://svhttdl.bacgiang.gov.vn/node/1113 http://svhttdl.bacgiang.gov.vn/node/2058 http://yendung.bacgiang.gov.vn/node/4636 http://nhahatcheovietnam.vn/Tintuc/Tinvanhoa/Tinla... http://tdkt.vn/FelicitationDecisionDetail.aspx?sit... http://tdkt.vn/FelicitationDecisionDetail.aspx?sit...